Doanh nghiệp có bắt buộc xây dựng thang lương, bảng lương?
Cách xây dựng thang lương, bảng lương mới nhất 2023. Mức phạt đối với doanh nghiệp không xây dựng thang lương, bảng lương?
Trả lời:
1. Nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động
Theo quy định tại Điều 93 Bộ Luật Lao động 2019 có quy định về việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động, cụ thể như sau:
“1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.
3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.”
Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Như vậy doanh nghiệp cần phải:
- Doanh nghiệp phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
- Công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
- Tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Nếu doanh nghiệp có tố chức đại diện người lao động).
Việc doanh nghiệp không xây dựng thang bảng lương, định mức lao động sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng (Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt Vi phạm quy định về tiền lương).
2. Hồ sơ xây dựng thang lương, bảng lương:
– Hệ thống thang lương, bảng lương
– Quyết định ban hành hệ thống thang lương, bảng lương
– Biên bản tham khảo ý kiến của đại diện người lao động (Đối với DN có tổ chức đại diện người lao động)
– Bảng quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng chức vụ
– Quy chế tiền lương tiền thưởng, phụ cấp (Quy chế tài chính)
3. Cách xây dựng thang lương, bảng lương
3.1. Mức lương tối thiểu vùng:
Bước 1: Xác định mức lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp
Ví dụ: Công ty Luật MMT là doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng. Căn cứ theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao đồng làm việc cho người sử dụng lao động thì thành phố Đà Nẵng thuộc vùng II nên mức lương tối thiểu tháng là 4.160.000 đồng/tháng; mức lương tối thiểu giờ là 20.000 đồng/giờ.
Bước 2: Áp dụng bậc 1 trong thang lương, bảng lương không được thấp hợp mức lương tối thiểu vùng
Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không cần phải cộng thêm 7% đối với người làm động đã qua học nghề, đào tạo nghề. Tuy nhiên, những doanh nghiệp trước đó đã thực hiện việc này thì vẫn tiếp tục áp dụng, cụ thể như sau. Căn cứ theo điểm b khoản 1.1 Điều 1 Công văn 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN về việc chỉ đạo triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu có quy định:
“b) Về trách nhiệm thi hành: tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm:
– Rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
– Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, theo đó, các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.”
3.2 Cách ghi các Bậc sau (Từ bậc 2 trở đi)
Trước đây, theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định thì khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích luỹ kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.
Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 49/2013/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định 145/2020/NĐ-CP và không có quy định về khoảng cách giữa các bậc lương nữa, theo đó, doanh nghiệp sẽ tự quy định mức chênh lệch giữa các bậc lương.
Lưu ý: Hằng năm, Chính phủ sẽ quy định về mức lương tối thiểu vùng mới, theo đó, doanh nghiệp sẽ phải làm lại thang lương, bảng lương mới để cập nhật so với thang lương, bảng lương cũ hiện tại (đã bị thay đổi về mức lương tối thiểu vùng).