Gần đây, vụ việc một nam rapper có những bình luận dung tục trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. Trong thời đại số, không gian mạng mang lại nhiều cơ hội kết nối nhưng cũng tiềm ẩn các hành vi thiếu chuẩn mực. Những bình luận khiếm nhã xuất hiện ngày càng nhiều làm dấy lên câu hỏi: liệu đây có phải là hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng? Để làm rõ vấn đề này, Báo Đà Nẵng có buổi phỏng vấn với luật sư Việt Vương (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng).
* Thưa luật sư, các bình luận khiếm nhã, dung tục trên mạng xã hội có được xem là quấy rối tình dục không?
– Theo quy định hiện hành của Luật An ninh mạng 2018 thì chưa có khái niệm hay định nghĩa cụ thể hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng mà chỉ liệt kê hành vi “đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…” được xem là hành vi bị nghiêm cấm – điểm đ, khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng 2018. Tuy nhiên, dựa trên khái niệm về quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, cơ quan có thẩm quyền có thể viện dẫn các quy định có liên quan để xác định về chủ thể, hành vi mà người quấy rối thực hiện.
Tại khoản 2, Điều 84, Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm: a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Như vậy có thể hiểu, quấy rối tình dục trên không gian mạng có thể là bất cứ ai có hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói bao gồm cả lời nói qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc ngụ ý tình dục. Theo đó, các bình luận khiếm nhã, dung tục đối với người khác mà không được người nhận tiếp nhận trên mạng xã hội được coi là hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng và là hành vi trái quy định pháp luật.
* Đâu là ranh giới giữa đùa vui và quấy rối tình dục?
– Ranh giới giữa những lời nói mang tính chất vui đùa và hành vi quấy rối tình dục khá mong manh và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: ngữ cảnh, mối quan hệ giữa các bên và đặc biệt là nằm ở sự tiếp nhận của người nhận các lời bình luận. Các lời vui đùa có thể sẽ là hành vi có dấu hiệu quấy rối tình dục nếu người nhận đã bày tỏ thái độ khó chịu, không thoải mái mà vẫn tiếp tục bị lặp lại. Việc hiểu rõ và tôn trọng ranh giới này rất quan trọng để duy trì môi trường giao tiếp lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau.
* Nếu một cá nhân cảm thấy bị xúc phạm hoặc quấy rối tình dục qua các bình luận trên mạng xã hội, họ có những quyền lợi pháp lý nào để tự bảo vệ?
– Để tránh là nạn nhân của quấy rối tình dục trên không gian mạng, mỗi cá nhân cần bày tỏ thái độ, quan điểm phản đối với những người có hành vi có dấu hiệu quấy rối tình dục trên không gian mạng bằng cách yêu cầu người đó dừng lại/chấm dứt các hành vi khiếm nhã, quấy rối. Nếu đối tượng vẫn tiếp tục với tính chất, mức độ ngày càng tăng, thì cần có biện pháp kiên quyết bằng cách làm đơn trình báo/đơn tố cáo các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền có liên quan để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Tại Điều 9, Luật An ninh mạng 2018 thể hiện: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng sẽ chịu những chế tài xử lý tương ứng. Cụ thể: Xử phạt hành chính người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Xử lý hình sự: Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng. Tuy nhiên, tùy vào mức độ hành vi, nếu có cơ sở chứng minh các hành vi có dấu hiệu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức phạt tiền 10 đến 30 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
* Theo luật sư, cần có những thay đổi gì trong hệ thống pháp luật để đối phó hiệu quả hơn với tình trạng này trong thời đại số?
– Hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng có thể lan truyền nhanh chóng, rộng rãi và rất khó kiểm soát. Những hệ lụy, hậu quả của việc quấy rối tình dục trên không gian mạng khá nghiêm trọng và rất khó lường, nó không chỉ ảnh hưởng đến quyền riêng tư, danh dự và nhân phẩm của con người mà còn gây ra những tổn thương về mặt tinh thần.
Mặc dù, pháp luật hiện nay đã có những biện pháp xử lý chế tài nghiêm tương ứng với từng hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cần thiết phải có những quy định cụ thể hơn nữa đối với hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng, quy trình trình báo, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trình báo, các chế tài thật nghiêm áp dụng cho hành vi nhằm mục đích răn đe người vi phạm cũng như người bị xâm hại có thể biết được làm cách nào để bảo vệ chính bản thân mình khi bị quấy rối tình dục trên không gian mạng.
Đồng thời, ngoài việc kịp thời cập nhật, bổ sung quy định pháp luật điều chỉnh, cần thiết thúc đẩy các chương trình giáo dục về văn hóa, nâng cao ý thức pháp luật khi dùng mạng xã hội để tạo một cộng đồng văn minh hơn trên không gian mạng, hiểu được ranh giới lời khen và quấy rối tình dục, nhận ra ý đồ của kẻ xấu và biết cách tự bảo vệ chính bản thân mình.
YÊN CHI
Theo Báo Đà Nẵng: https://baodanang.vn/channel/5428/202410/ranh-gioi-mong-manh-giua-dua-vui-va-quay-roi-tinh-duc-3991668/index.htm?gidzl=CsEcMDt2508nUQLOsDKJ0Z5vfLh4rKDHUNBw3yE1JLCeTQaFmjKQKYvq_rsKXqvMVIR-3ZZRbO1jsiSM1G