Phối hợp giữa Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT nhất là các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT).
Cụ thể, tại Điều 9 Quy chế phối hợp 2339/QCPH-TLĐ-BHXH giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, giai đoạn 2023 – 2028, quy định về việc Phối hợp trong việc thực hiện khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, cụ thể như sau:
1. Tổng Liên đoàn có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện quyền khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.
2. BHXH Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ và phối hợp với Công đoàn cùng cấp trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH khi tổ chức công đoàn có yêu cầu.
3. Các thông tin chuẩn bị cho việc khởi kiện và thông tin bổ sung trong quá trình khởi kiện:
a) Thông tin do ngành BHXH cung cấp:
– Danh sách của các đơn vị chậm đóng BHXH cần phải khởi kiện (bao gồm: số tiền phải đóng, số tiền chậm đóng, thời gian chậm đóng, tiền lãi chậm đóng BHXH).
– Hồ sơ xác định chậm đóng theo quy định của BHXH Việt Nam về quản lý thu BHXH, BHTN, BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, gồm bản chính các giấy tờ sau:
+ Thông báo kết quả đóng BHXH, BHTN, BHYT;
+ Biên bản kiểm tra (nếu có).
– Bản cập nhật đến tháng trước thời điểm nộp đơn khởi kiện ra tòa án về tình hình chậm đóng và tình trạng áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với các đơn vị sử dụng lao động mà tổ chức công đoàn đã gửi danh sách thông báo cho cơ quan BHXH trước khi khởi kiện.
– Danh sách của đơn vị sử dụng lao động mà cơ quan BHXH đã áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).
– Thông tin khác của đơn vị sử dụng lao động và người lao động do cơ quan BHXH quản lý để phục vụ việc khởi kiện hoặc theo yêu cầu của Tòa án (nếu có). Trường hợp văn bản quy định về hồ sơ xác định chậm đóng được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
b) Thông tin do tổ chức Công đoàn cung cấp:
Danh sách đơn vị sử dụng lao động chuẩn bị khởi kiện để cơ quan BHXH kiểm tra, đối chiếu, cập nhật tình hình chậm đóng và việc áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với đơn vị sử dụng lao động.
4. Các thông tin về kết quả khởi kiện:
Công đoàn các cấp thông báo về tình hình và kết quả khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH tại địa phương cho cơ quan BHXH cùng cấp.
XEM CHI TIẾT VÀ TẢI QUY CHẾ PHỐI HỢP 2339/QCPH-TLĐ-BHXH TẠI ĐÂY.