QUY ĐỊNH CỦA EU VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ SỨC KHOẺ THỰC VẬT ĐỐI VỚI HÀNG NHẬP KHẨU NGUỒN GỐC THỰC VẬT
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Hiệp định này mở ra cơ hội để tăng cường thương mại giữa EU và Việt Nam. Hiện nay EU đã trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất cho nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng rau quả. Tuy vậy, EU lại nằm trong nhóm có tiêu chuẩn quản lý thực phẩm nhập khẩu cao nhất thế giới. Ngoài thủ tục hải quan, hầu hết mọi yêu cầu bắt buộc của EU đối với sản phẩm thực vật nhập khẩu (bao gồm cả rau quả) đều có liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật.
EU có quy tắc rất chi tiết và chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe động thực vật và môi trường. Tất cả các nước muốn xuất khẩu sản phẩm thực phẩm sang EU đều phải đáp ứng yêu cầu theo quy định. Nếu không tuân thủ yêu cầu,bất kỳ sản phẩm thực phẩm nào cũng không được phép nhập khẩu vào EU.Do thiếu hiểu biết về yêu cầu của EU đối với an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật, nhiều lô hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang EU không tuân thủ quy định hoặc bị từ chối nhập khẩu, một số mặt hàng còn bị đưa vào danh mục sản phẩm cần kiểm soát đặc biệt của EU.
Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) là đơn vị thực hiện dự án SYMST (Dự án Cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn) do EU tài trợ. Dự án này xây dựng cách tiếp cận mang tính hệ thống để hỗ trợ cho hai nước trong khu vực ASEAN (Lào và Việt Nam) thực hiện những biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật trong ngành hàng rau quả, cũng như thực hiện biện pháp quản lý đối với sản phẩm thực vật khác. Dự án nhằm mục đích cung cấp hỗ trợ trong lĩnh vực sức khỏe thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm soát rau quả cũng như các chuỗi cung ứng sản phẩm thực vật khác.
Cục Bảo vệ thực vật là Cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) của Việt Nam. Trong dự án SYMST, Cục Bảo vệ thực vật đóng vai trò là cơ quan đầu mối của phía Việt Nam. Hiện Cục đang phối hợp cùng ITC thực hiện dự án tại Việt Nam nhằm mục đích nâng cao năng lực quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật trong sản xuất và marketing rau quả.
Mục tiêu tổng thể của dự án là cải thiện an toàn thực phẩm thông qua quản trị tốt hơn ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của dự án là tăng cường khung quản lý để kiểm soát sức khỏe thực vật và thuốc bảo vệ thực vật trong ngành hàng rau quả cũng như sản phẩm khác thông qua việc áp dụng các quy tắc và tiêu chuẩn cũng như cải thiện công tác mở cửa thị trường.
Hiểu rõ yêu cầu quản lý của EU về an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật là chìa khóa để tiếp cận thành công thị trường EU. Do đó, hoạt động quan trọng nhất của dự án SYMST tại Việt Nam là tập trung vào phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến sức khỏe thực vật và thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, các bên liên quan đề xuất dự án nên ưu tiên biên soạn và xuất bản cuốn sách hướng dẫn (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) quy định hiện hành của EU về an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật đối với sản phẩm thực vật nhập khẩu, trong đó tập trung vào rau quả và sản phẩm được dự án lựa chọn (bưởi, thanh long và hồ tiêu).
Mục đích của cuốn sách hướng dẫn này là cung cấp cho nhà sản xuất và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các bên liên quan khác trong chuỗi sản xuất rau quả tại Việt Nam, một cái nhìn tổng quan về yêu cầu an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật của EU đối với của sản phẩm thực vật nhập khẩu từ các nước không thuộc khối EU, bao gồm cả Việt Nam, trong đó tập trung vào rau quả xuất khẩu đi EU.
Cuốn sách cũng có phần Hỏi-Đáp một số câu hỏi thường gặp của nhà sản xuất và nhà xuất khẩu rau quả Việt Nam về các chủ đề liên quan đến quy định an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật hiện hành của EU. Thông tin trình bày trong tài liệu này sẽ giúp độc giả hiểu và thực hiện quy định SPS của EU đối với sản phẩm thực vật và rau quả xuất khẩu sang thị trường này.
Cuốn sách chủ yếu dành cho nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thực vật, bao gồm cả rau quả, sang thị trường EU, và cung cấp thông tin về yêu cầu pháp lý để tiếp cận thị trường. Cuốn sách cung cấp thông tin cho nhà sản xuất và xuất khẩu rau quả tươi được sản xuất theo phương pháp thông thường và rau quả đã qua chế biến ở mức tối thiểu, đồng thời cũng có thông tin tóm tắt về xuất khẩu rau quả hữu cơ.
Cuốn sách này không đề cập đến yêu cầu của EU đối với vật liệu làm giống, sản phẩm biến đổi gen (GMO), sản phẩm được chế biến bằng phương pháp làm lạnh nhanh, đóng lon và sản phẩm chứa chất phụ gia, thực phẩm composite, thực phẩm mới, hoặc thực phẩm được chuẩn bị để phục vụ mục đích dinh dưỡng đặc biệt vì đối với những sản phẩm này có thêm các yêu cầu quản lý.
LINK TẢI FILE PDF: TẠI ĐÂY